Home / Khác / Tất Tần Tật Về Ăn Dặm Cho Trẻ Sơ Sinh “Đúng + Đủ + Đảm Bảo Chất Nhất”

Tất Tần Tật Về Ăn Dặm Cho Trẻ Sơ Sinh “Đúng + Đủ + Đảm Bảo Chất Nhất”

Ăn dặm luôn là bước đệm khởi đầu quan trọng nhất giúp con phát triển toàn diện cũng như hoàn thiện khả năng ăn uống sau này. Vậy “làm thế nào để cho trẻ ăn dặm đúng cách? Khi nào trẻ có thể ăn dặm? Ăn dặm như thế nào là đúng cách? Trẻ ăn được gì và không ăn được gì?…” Là những câu hỏi các bà mẹ luôn trăn trở khi cho con ăn dặm những ngày đầu. Để giúp bố mẹ hiểu hơn về ăn dặm Tóc khỏe đẹp 365 ngày sẽ chia sẻ tới bố mẹ những nguyên tắc và cách hướng dẫn cho trẻ ăn dặm theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng.

Nhiều mẹ không biết khi nào nên cho trẻ ăn dặm, thực đơn như thế nào để đủ dưỡng chất, để bé không chán bỏ bữa hay biếng ăn, tất cả được chúng tôi tổng hợp trong bài viết này

Ăn dặm là gì? Khái niệm về ăn dặm?

Trước khi cho trẻ ăn dặm, các bậc cha mẹ nên biết ăn dặm nghĩa là gì? Ăn dặm nghĩa là bổ sung cho trẻ ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Những thức ăn được bổ sung cho trẻ bên cạnh sữa mẹ bao gồm tinh bột, các thực phẩm cung cấp vitamin như thịt, cá, tôm, cua, trứng,….và các loại rau củ quả.

Ăn dặm nghĩa là bổ sung thêm để con có thể phát triển toàn diện chứ không có nghĩa là để trẻ chấm dứt hoàn toàn việc ti mẹ. Sữa mẹ luôn được ưu tiên vì trong sữa mẹ có rất nhiều các yếu tố kháng khuẩn giúp con có hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và hạn chế nhiễm bệnh. Chính vì thế nên cho trẻ bú đủ mỗi ngày, sau khi trẻ ăn dặm quen sẽ dần dần giảm lượng sữa và tăng lượng thức ăn theo nhu cầu độ tuổi của trẻ.

Thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm

Theo như khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia thì thời gian thích hợp nhất cho trẻ ăn dặm là từ tháng thứ 6 trở đi. Bởi vì thời gian này là giai đoạn trẻ phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với việc nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên mỗi ngày. Sau 6 tháng cũng là lúc sữa mẹ ít và loãng dần đi thế nên vào thời điểm này sữa mẹ không còn đáp ứng đủ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Chính vì thế nên ăn dặm vào thời điểm này là bổ sung cho con những nguồn dinh dưỡng song song kết hợp cùng sữa mẹ giúp con phát triển khỏe mạnh.

Theo như tính toán của Viện dinh dưỡng đưa ra thì trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi thì sữa mẹ cung cấp và đáp ứng hơn 1 nửa và giai đoạn từ 12 đến 24 tháng tuổi thì sữa mẹ cung cấp và đáp ứng ít nhất 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách

Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, cha mẹ cũng nên tìm hiểu và nắm được nguyên tắc cho trẻ ăn dặm đúng cách để không làm ảnh hưởng tới quá trình hấp thu và phát triển của trẻ. Có 3 nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm cha mẹ cần lưu ý.

Cho trẻ ăn dặm từ lỏng đến đặc

Mới đầu nên cho trẻ ăn bột loãng trong khoảng từ 2 đến 3 ngày, những ngày tiếp theo sẽ tăng từ từ độ đặc lên.

Trong quá trình cho trẻ ăn dặm nên tăng dần dần độ thô của thức ăn. Ban đầu là cho con ăn bột, sau đó dần đổi sang cháo rây, đến cháo hạt, chuyển dần thành cơm nát và sau cùng là cơm nguyên hạt theo độ tuổi tăng trưởng của trẻ

Cho trẻ ăn dặm từ ít đến nhiều

Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, cha mẹ chỉ nên cho con ăn 1 bữa/1 ngày. Sau 2-3 ngày sẽ tăng dần lên 2 bữa rồi 3 bữa theo nhu cầu ăn hàng ngày của trẻ

Không nên cho trẻ ăn quá nhiều vì có thể khiến con bị nôn trớ, đầy bụng không tiêu hóa được

Cho trẻ ăn dặm đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh

Mới đầu trẻ ăn dặm nên cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu hóa như bột, cháo và các loại rau củ quả

Khi trẻ phát triển từ tháng thứ 9 và tháng thứ 10 trở đi thì cha mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng bao gồm:

  • Tinh bột: gạo
  • Chất đạm: tôm, cua, cá, thịt, trứng,…
  • Vitamin: rau, củ và các loại quả
  • Chất béo: bổ sung thêm dầu hoặc mỡ trong thực đơn của con

Trong quá trình lựa chọn và chế biến đồ ăn dặm cho con, cha mẹ nên mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, lựa chọn những thực phẩm sạch và chế biến đảm bảo hợp vệ sinh vì hệ tiêu hóa của con còn rất non nớt cho nên rất dễ bị nhiễm khuẩn khi bị vi khuẩn xâm nhập.

Lượng thức ăn cho bé ăn dặm

Thời gian đầu khi tập cho trẻ ăn dặm, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn cho con. Cho con ăn từ 5 đến 10ml thức ăn từ 1 đến 3 bữa đầu

Sau 1 đến 2 ngày sẽ tăng dần lượng thức ăn nên cho con để đường ruột của con dần làm quen và tiêu hóa lượng thức ăn phù hợp

Cho trẻ ăn dặm đúng khoa học

Khi nấu thực phẩm cho con ăn dặm, cha mẹ phải nghiền hoặc xay nhuyễn các loại thực phẩm sau đó cho nước nguội và đánh tan hoàn toàn trong nước. Tránh hoàn toàn việc cho thẳng thực phẩm vào nước sôi vì sẽ gây nên tình trạng vón cục.

Trong khi nấu bột cho trẻ ăn dặm, cần khuấy đều tay để tránh tình trạng bị khê kết dính ở phần đáy nồi. Mẹ không nên cho quá nhiều nước vì càng ít nước thì thực phẩm càng giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng

Trẻ chưa đủ 12 tháng tuổi thì trong thực đơn không được bổ sung thêm gia vị hay các loại nước mắm vì thận của con chưa hoàn thiện nên không thể chuyển hóa được. Đặc biệt là tuyệt đối không được sử dụng mật ong vào thức ăn của con. Tuy mật ong có vị ngọt dễ ăn nhưng dễ dẫn đến tình trạng con ăn vào sẽ bị ngộ độc

Mẹ chỉ nên sử dụng thực phẩm cho con ăn trong 1 đến 2 ngày, không nên tích trữ thực phẩm lâu vì trong quá trình tích trữ thực phẩm dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây hại cho bé

Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên

Với những bé ăn dặm lần đầu, cha mẹ nên chú ý và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau đây để con không bị sợ thức ăn, không bỏ bữa và đầy đủ dinh dưỡng

Cho trẻ ăn dặm khi có nhu cầu

Cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy được nhu cầu thèm ăn của con khi trẻ có biểu hiện tóm tém, chóp chép miệng và nhìn theo, với theo thức ăn của người lớn hoặc khi bé có thể ngồi tốt thì lúc này trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm

Thời gian cho bé ăn dặm

Chỉ nên cho bé ăn dặm khi bé đang trong độ tuổi từ 4 đến 6 tháng tùy theo nhu cầu của trẻ và điều kiện nuôi con của cha mẹ. Nhưng thời điểm vàng để cho con ăn dặm khi hệ tiêu hóa của con đã sẵn sàng là từ tháng thứ 6 trở đi

Lặp lại thức ăn khi con không hợp tác

Nếu như lần đầu tiên cho ăn thực phẩm mới trẻ không chịu nuốt mà đẩy ra ngoài thì từ lần thứ 2 sau cha mẹ vẫn nên lặp lại dinh dưỡng đó cho trẻ. Bởi vì theo thống kê thì phải mất trung bình từ 5 đến 10 lần thì bé mới có thể quen với thực đơn mới

Cân bằng sữa mẹ và thức ăn

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng thiết yếu quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhất là ở những giai đoạn đầu. Vì thế nên cho trẻ ăn dặm xen kẽ trong việc duy trì nguồn sữa mẹ ít nhất là đến khi con được đủ 12 tháng

Thực đơn cho trẻ ăn dặm lần đầu

Khi cho trẻ ăn dặm lần đầu cha mẹ nên tập trung cho con vào những thực phẩm dễ tiêu hóa. Ban đầu có thể luyện cho con làm quen với bột gạo sữa trước rồi sau đó mới chuyển sang các thực phẩm khác

Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như mật ong, các loại trứng chưa chín hẳn, lạc (đậu phộng), tôm, cua chưa chế biến kỹ,… và những thực phẩm bố hoặc mẹ có tiền sử bị dị ứng

Không nêm nếm thêm gia vị vào thức ăn của con cho đến khi con đủ 12 tháng tuổi

Thực đơn cho trẻ ăn dặm đúng cách

Trong 6 tháng đầu của bé, trung bình mỗi tháng con cần hấp thụ dinh dưỡng và tăng từ 500-600g thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho con trong giai đoạn này

Tháng tuổi của béThức ănLượng thức ăn
6 tháng– Sữa mẹ
– Bột loãng và thức ăn xây nhuyễn
100-200ml bột mỗi ngày
(tùy theo nhu cầu của trẻ)
7 tháng– Sữa mẹ
– Bột đặc và thức ăn thái nhỏ
theo nhu cầu của trẻ
8 tháng– Sữa mẹ
– Bột ngũ cốc
– Thức ăn và trái cây
theo nhu cầu của trẻ
9 tháng– Sữa mẹ
– Bột đặc hoặc cháo
– Ngũ cốc và trái cây
– Cho trẻ cầm nắm và tự cắn thức ăn
tùy theo nhu cầu của trẻ
10 tháng– Sữa mẹ
– Cháo đặc
– Thức ăn thái khúc
– Hoa quả và các dinh dưỡng khác
theo nhu cầu của trẻ
11 tháng– Sữa mẹ
– Cháo đặc hoặc cơm
– Thức ăn trẻ tự cầm nắm và xúc
– Ăn đa dạng thực phẩm
theo nhu cầu của trẻ
12 tháng– Sữa mẹ
– Cơm, ngũ cốc
– Các thực phẩm đa dạng
– Nêm thêm gia vị cho trẻ
theo nhu cầu của trẻ

Gợi ý thực đơn cho trẻ ăn dặm theo từng giai đoạn

Nếu như cha mẹ thấy áp lực mỗi lần nghĩ đến các món để nấu cho con thì Tóc khỏe đẹp 365 sẽ chia sẻ đến phụ huynh bảng thực đơn hơn 30 món để bổ sung và xen kẽ hàng ngày vào bữa ăn của con cha mẹ nhé!

Thực đơn cho trẻ 5,5 đến 6 tháng tuổi

  • Bí đỏ hấp chín nghiền nhuyễn trộn bột hoặc sữa công thức
  • Cà rốt hấp chín nghiền nhuyễn trộn bột hoặc sữa công thức
  • Khoai lang hấp chín nghiền nhuyễn trộn bột hoặc sữa công thức
  • Bơ nghiền nhuyễn trộn bột hoặc sữa công thức
  • Đu đủ nghiền nhuyễn trộn bột hoặc sữa công thức
  • Chuối nghiền nhuyễn trộn sữa công thức hoặc bột
  • Cháo cải bó xôi (xây nhỏ bỏ bã) và khoai lang (hấp chín nghiền nhuyễn)
  • Cháo cà rốt kết hợp khoai tây (hấp chín nghiền nhuyễn)
  • Cháo yến mạch và sữa công thức
  • Cháo tôm (để sống lột vỏ xay thật nhuyễn) + rau xanh xay nhuyễn (mồng tơi, rau ngót, rau cải) nấu chín kết hợp với dầu oliu hoặc dầu óc chó
  • Cháo thịt (để sống xay thật nhuyễn) + rau xanh xay nhuyễn (mồng tơi, rau ngót, rau cải) nấu chín kết hợp với dầu oliu hoặc dầu óc chó
  • Cháo trứng nấu chín kỹ kết hợp phô mai và dầu ăn cho bé

Thực đơn cho bé từ 7 tháng tuổi trở đi

Giai đoạn này bé đã ăn được cá và thịt đỏ. Tuy nhiên cha mẹ cần cho con ăn làm quen từng chút một để con làm quen chứ không nên ăn một lượng lớn ngay ở những bữa đầu. Ở giai đoạn này lượng sữa cũng giảm nên con sẽ ăn từ 2 đến 3 bữa mỗi ngày. Thực đơn hàng ngày của con cha mẹ nên đảm bảo đủ 10-15g đạm, 25g rau xanh và cân bằng lượng cháo hoặc bột từ 40-80g để cung cấp đủ dinh dưỡng cho con. Dưới đây là 1 số món kết hợp để cha mẹ tham khảo

  • Cháo bí đỏ + đậu hà lan + thịt gà
  • Cháo tim gà + rau cải
  • Cháo cá thịt trắng + cà rốt
  • Cháo thịt bò + cải thảo
  • Cháo bí đỏ+ thịt gà
  • Cháo thịt bò + rau xanh
  • Cháo yến mạch + rau củ
  • Cháo trứng gà + khoai lang
  • Cháo tôm thịt + rau xanh
  • Cháo đậu xanh + thịt + rau cải thìa

Trên đây là một số món ăn cho bé đầy đủ dinh dưỡng và trẻ cũng dễ dàng hấp thu khi hệ tiêu hóa còn non nớt. Cha mẹ hãy xen kẽ những bữa ăn cho con và chú ý đừng nên ép con ăn để tránh tình trạng trẻ nhàm chán và sợ thức ăn cha mẹ nhé!

Chúc các phụ huynh có “cuộc chiến” ăn dặm cho trẻ thành công và các con ăn ngon miệng!